Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Bổ Trợ tư pháp

Gửi Email In trang Lưu
Thực trạng trong năm 5 Thực hiện Luật giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Giang

02/11/2018 13:54

Luật giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp. Để các quy định của Luật, Nghị định được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong thời gian qua, cùng với việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Luật, Nghị định và các văn bản khác có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật giám định tư pháp và ban hành 03 Kế hoạch liên quan đến việc triển khai hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn và đã ban hành nhiều văn bản để triển khai Nghị định, Thông tư liên quan đến hoạt động giám định tới các sở, ngành có liên quan để triển khai, thực hiện.

Sau 05 năm kể từ ngày Luật giám định tư pháp có hiệu lực, với sự quan tâm của các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện, các quy định của Luật giám định tư pháp đã và đang dần đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, kết quả cụ thể: Với trách nhiệm được giao, các sở, ngành đã quan tâm tốt hơn đến việc phát triển cả về số lượng và chất lượng giám định viên tư pháp. Kể từ thời điểm Luật Giám định tư pháp có hiệu lực đến nay, 02 tổ chức giám định tư pháp công lập gồm: Trung tâm Pháp y tỉnh trực thuộc Sở Y tế; Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh. Có 68 giám định viên tư pháp.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa có tổ chức và cá nhân thành lập được Văn phòng giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp. Các kết luận giám định tư pháp về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian, chính xác, khách quan, góp phần rất lớn giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Phí, chi phí cần thiết cho việc trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp đang là một trong những bất cập, do quy định hiện hành về phí, chi phí giám định tư pháp chưa rõ ràng, dẫn đến việc chi trả các chi phí giám định không kịp thời, không tương xứng với công sức lao động bỏ ra, cũng như không bảo đảm việc khấu hao máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các tổ chức, giám định viên tư pháp trên địa bàn đôi khi từ chối thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Các kết luận giám định đều được sử dụng làm cơ sở căn cứ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, chứng minh tội phạm, người phạm tội cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết vụ án. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp, tiền bồi dưỡng giám định tư pháp đều được chi trả đúng, đủ, kịp thời. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự quan tâm, chưa ban hành được quy định về chế độ thống kê, đánh giá, dự báo nhu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để cung cấp các thông tin về hoạt động giám định cho các cơ quan quản lý, chưa chủ động đề xuất, phối hợp với các cơ quan quản lý giải quyết những vướng mắc, khó khăn về giám định trong hoạt động tố tụng.  Công tác phối kết hợp giữa các Sở, ngành, các cơ quan tố tụng chưa thường xuyên, kịp thời. Một số ngành coi quản lý hoạt động giám định tư pháp là chức năng của ngành Tư pháp. Do đó chưa kịp thời tham mưu triển khai thực hiện các văn bản của chỉ đạo của Trung ương liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành.
* Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về thực trạng tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức giám định tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc giám định đặt ra. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động chưa phù hợp. Các tổ chức giám định tư pháp hoạt động theo mô hình ngành dọc, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này trong thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Sở Tư pháp được giao là đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp, xong chủ yếu chỉ quản lý thông qua báo cáo định kỳ, không quản lý tổ chức, con người, nghiệp vụ, kinh phí, cơ sở vật chất…
- Việc trưng cầu giám định chủ yếu theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, các yêu cầu giám định của tổ chức và người dân ngoài tố tụng rất thấp. Việc giám định thời điểm viết, ký (độ tuổi của mực, giấy) trên tài liệu, chứng cứ... chưa thực hiện được, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
- Chưa có cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý giám định về tình hình giám định viên và sử dụng kết quả giám định. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang chưa có Văn phòng Giám định tư pháp được cấp phép hoạt động theo hướng xã hội hóa.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc
- Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động chưa phù hợp. Công tác bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ giám định viên của các Bộ, ngành chưa được quan tâm. Cơ sở vật chất trang bị cho đội ngũ giám định viên còn hạn chế (đặc biệt là đội ngũ giám định viên theo vụ việc).
- Cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý giám định về tình hình giám định viên và sử dụng kết quả giám định chưa có. Các lĩnh vực giám định tư pháp được xã hội hóa chưa có, do số vụ việc trên địa bàn không nhiều.
* Đề xuất, kiến nghị:
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong công tác giám định tư pháp vì giám định tư pháp là một nội dung của cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp theo hướng hỗ trợ về tài chính, về cơ sở vật chất, về thuế… cho các tổ chức và cá nhân đăng ký hoạt động trong lĩnh vực giám định tư pháp (đặc biệt là khu vực miền núi);
Thứ hai: Thiết lập và tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan quản lý và các cơ quan tiến hành tố tụng; Các bộ, ngành cần quan tâm thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên ngành cho đội ngũ giám định viên tư pháp để nâng cao năng lực, kiến thức, kinh nghiệm trong công tác giám định cho giám định viên tư pháp của bộ, ngành mình quản lý; 
Thứ ba: Tăng cường về cơ sở vật chất, kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là các tổ chức giám định tư pháp công lập; Xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn ở từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công thương, tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên và môi trường… trong đó xác định rõ quy trình, phương pháp, phương tiện giám định;
Thứ tư: Để nâng cao chất lượng giám định tư pháp đề nghị các Bộ, ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên môn về giám định tư pháp.
                                                                                                              Hoàng Hồng. Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang

Tin khác

Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023 (31/10/2018 09:07)

xem tiếp