Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Phổ biến giáo dục pháp luật

Gửi Email In trang Lưu
TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT

11/04/2024 19:13

Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là một trong những việc làm cần thiết và là giải pháp lớn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Bên cạnh việc Nhà nước thu hồi đất thì công tác hỗ trợ, tái định cư cũng được nhà nước đặc biệc quan tâm và có những chính sách cụ thể, phù hợp giúp đỡ người bị thu hồi đất, như: thông qua đào tạo nghề mới, bố trí nơi ở, trợ cấp kinh phí di dời đến địa điểm mới... Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu cụ thể một số quy định về hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển (Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013). Theo đó, tái định cư được hiểu là chính sách của nhà nước nhằm giúp ổn định cuộc sống, bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất khi bị thu hồi theo quy định. Đất tái định cư là đất mà nhà nước có trách nhiệm cấp cho người dân để bồi thường khi bị thu hồi đất với mục đích là giúp người dân có nơi an cư mới, nhanh chóng ổn định cuộc sống trở lại. Về mặt pháp lý, đất tái định cư là đất thổ cư, tại đây chủ sở hữu được hưởng đầy đủ quyền sử dụng đất hợp pháp như mọi loại đất thông thường. 

 * Tìm hiểu về: Những trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở (nghĩa là được cấp đất tái định cư)

Nhà nước cấp đất tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho người dân và giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất, tuy nhiên không phải trường hợp nào bị thu hồi đất cũng được hưởng. Các trường hợp được cấp đất tái định cư phải thỏa mãn các trường hợp được quy định rõ trong Điều 6, Nghị định 47/2014/ NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi tắt là Nghị định 47/2014/NĐ-CP), cụ thể như sau:

Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013:

(Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013: “1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau:a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.2. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tạiĐiều 75 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất).

 Các trường hợp được cấp đất tái định cư theo quy định Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013 được thực hiện như sau:

Trường hợp 1

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:

- Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;

- Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

Trường hợp 2

Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.

Trường hợp 3

Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tái định cư thì được Nhà nước bồi thường bằng tiền.

Trường hợp 4

Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Trường hợp 5

Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Trường hợp này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể:

“1. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để tái định cư trong trường hợp thửa đất có nhà ở bị thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở chỉ được thực hiện khi phần diện tích còn lại của thửa đất thu hồi đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi.

2. Trường hợp phần diện tích còn lại của thửa đất có nhà ở bị thu hồi không đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi hoặc người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất còn lại theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất còn lại trong thửa đất có nhà ở không đủ điều kiện được phép tách thửa khi Nhà nước thu hồi đất phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Trường hợp 6

Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

- Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại vẫn đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng tiền đối với phần diện tích đất thu hồi;

- Trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất hoặc thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng đất để thực hiện dự án hoặc bồi thường bằng tiền;

- Đối với dự án đã đưa vào kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng tiền.

Như vậy, theo quy định trên ta có thể thấy rằng, Nhà nước có rất nhiều chính sách để hỗ trợ người dân nằm trong phần đất bị thu hồi, giúp họ nhanh chóng ổn định và phát triển kinh tế. 

* Tìm hiểu về: Chế độ hỗ trợ tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân phải chuyển chỗ ở do Nhà nước thu hồi đất

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP, cụ thể như sau: Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Việc hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai (Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở) được thực hiện như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 27 của Nghị định 47/2014/ NĐ-CP  (Điều 27. Suất tái định cư tối thiểu

1. Suất tái định cư tối thiểu quy định tại Khoản 4 Điều 86 của Luật Đất đai được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.

2. Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.

3. Căn cứ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở nhà ở, bằng nhà ở và bằng tiền)  thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.

* Tìm hiểu về: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở

Đối với Chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở, nội dung này được quy định cụ thể  tại Điều 21 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho các nhân khẩu trong độ tuổi lao động hiện có của hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi. 3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp đối với từng loại hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi”.

* Ngoài ra, pháp luật còn có nhiều quy định về hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Như: theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2024/NĐ-CP (Điều 25. Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất

Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 2021, 2223 và 24 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định)...

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành về hỗ trợ, tái định cư  khi nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước có rất nhiều chính sách để hỗ trợ người dân nằm trong phần đất bị thu hồi, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Đồng thời đảm bảo đúng quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam, góp phần vào mục tiêu mà Đảng đã lựa chọn là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Bài: Vũ Thúy Nhung, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang.

 

 

 

Tin khác

NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỔI: PHÂN TÍCH CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI QUY ĐỊNH KHI THU HỒI, BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG (05/04/2024 08:12)

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PBGDPL TỈNH HÀ GIANG: Tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 và Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cho Đoàn viên thanh niên thành phố Hà Giang (10/11/2023 08:01)

SỞ TƯ PHÁP TỈNH HÀ GIANG: Kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại 05 xã thuộc huyện Bắc Quang (07/11/2023 08:11)

SỞ TƯ PHÁP TỈNH HÀ GIANG: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật cho Bí thư, Trưởng thôn, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (29/10/2023 20:59)

ĐOÀN KIỂM TRA SỐ 1, HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH (PBGDPL): Kiểm tra công tác PBGDPL, hoà giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 tại một số đơn vị cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. (20/10/2023 01:24)

GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP: KIỂM TRA 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUÔC GIA TẠI 4 XÃ CỦA HUYỆN VỊ XUYÊN (09/10/2023 07:44)

MỘT MÙA THI CỦA NHỮNG NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG” (24/09/2023 13:34)

SỞ TƯ PHÁP TỈNH HÀ GIANG: Hội đàm với Cục Tư pháp châu Văn Sơn, Trung Quốc (17/09/2023 17:41)

Tạp chí Hà Giang số 2 (06/09/2023 07:38)

Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (07/08/2023 01:52)

xem tiếp