Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Xây dựng văn bản QPPL

Gửi Email In trang Lưu
Nghiên cứu – Trao đổi: Một số quy định về việc thực hiện bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn

09/11/2023 14:33

Theo quy định tại khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản năm 2015 thì các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn gồm:  (1) Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. (2) Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (3) Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (4)Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. (5) Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.”. Bài viết này chỉ trao đổi trong phạm vi thuộc trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Thứ nhất: Xác định văn bản quy phạm pháp luật cần phải bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần

Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản được áp dụng trong trường hợp đối tượng điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật không còn hoặc toàn bộ quy định của văn bản quy phạm pháp luật trái, chồng chéo, mẫu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Việc xác định văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần được thực hiện thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên tại cơ quan, đơn vị hoặc có kiến nghị xử lý văn bản của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm xác định văn bản cần phải bãi bỏ toàn bộ hay một phần và nêu rõ lý do tại tờ trình khi tham mưu cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai: Thẩm quyền và hình thức bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó. Do đó, khi bãi bỏ văn bản cơ quan, đơn vị tham mưu xác định hình thức văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất cho phù hợp, cụ thể:

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định) do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết) do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành.

Thứ ba: Trình tự, thủ tục bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nếu như việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục thông thường thì phải thực hiện rất nhiều giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chặt chẽ về các bước phải thực hiện, thời hạn, các loại giấy tờ tài liệu, hồ sơ trình…thì việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn được đơn giản hơn một số bước, rút ngắn về mặt thời gian, hồ sơ trình, như sau:

- Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, quyết định

Tại khoản 4 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành quyết định của Ủy ban nhân dân  cấp tỉnh

Như vậy, việc lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, quyết định bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật vẫn phải thực hiện và việc quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành phải được thể hiện trong văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Việc lấy ý kiến vào dự thảo văn bản

Việc lấy ý kiến không phải là thủ tục bắt buộc trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày (rút ngắn 10 ngày so với trình tự, thủ tục thông thường).

- Việc thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản

Thời hạn thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn không quá 7 ngày (rút ngắn 3 ngày so với trình tự, thủ tục thông thường).

- Hồ sơ trình thẩm định, thẩm tra:

Hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm định gồm tờ trình và dự thảo; hồ sơ gửi các Ban của Hội đồng nhân dân thẩm tra gồm tờ trình, dự thảo, báo cáo thẩm định, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

- Về hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ngày ký ban hành (thông thường hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân nhân tỉnh ban hành không sớm hơn 10 ngày).

Nhìn chung, quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng phản ứng chính sách của các chủ thể có thẩm quyền, thông qua đó nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật cần phải bãi bỏ do không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội nên thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn đảm bảo kịp thời chấm dứt hiệu lực thi hành trên thực tế./.

Bài: Anh Vân – Sở Tư pháp Hà Giang

Tin khác

SỞ TƯ PHÁP HÀ GIANG: Đoàn kiểm tra công tác xây dựng văn bản, rà soảt, hệ thống hoá văn bản QPPL làm việc tại các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì. (31/10/2023 09:17)

SỞ TƯ PHÁP HÀ GIANG: tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030” (24/10/2023 09:38)

SỞ TƯ PHÁP HÀ GIANG: Nỗ lực trong công tác cải cách hành chính 9 tháng đầu năm 2023 (06/10/2023 07:26)

HÀ GIANG: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 (03/10/2023 09:59)

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN: Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc Hội (21/09/2023 16:05)

HÀ GIANG: Triển khai Nghị quyết số 101/2023/QH15 – Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. (05/09/2023 05:33)

HÀ GIANG: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh (31/08/2023 09:23)

TỈNH HÀ GIANG: Triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” (01/08/2023 01:17)

Sở Tư pháp Hà Giang: tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (08/06/2023 00:50)

HÀ GIANG: Tham dự Hội nghị trực tuyến công tác pháp chế khu vực phía Bắc năm 2022 (31/03/2022 16:33)

xem tiếp