Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật

Gửi Email In trang Lưu
Một số nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020

28/12/2020 07:29

 

 

 Ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là Luật), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật gồm có 03 điều (Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có 75 khoản; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14; Điều 3: Hiệu lực thi hành. Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều: trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC). Những điểm mới cơ bản: 

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC, như về Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Luật XLVPHC hiện hành vừa quy định hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần”. Vì vậy, để khắc phục bất cập trên, Luật sửa đổi đã quy định tại Khoản 2 Điều 1: sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng. Như vậy, về cơ bản trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần” sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; chỉ xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi có quy định cụ thể của Chính phủ (tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực) về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đó.

Thứ hai: Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định hiện hành còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì thế, Luật tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực (giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản).

Thứ ba: Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng; đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng. 

Thứ tư: Về thẩm quyền xử phạt, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, như: Luật sửa đổi đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước (Khoản 24 Điều 1)… Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh này trong Luật là để xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác để nhằm bảo đảm tính đầy đủ, tính thống nhất, tránh chồng chéo. Ngoài ra, Luật quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự, để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn thi hành, Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự vào Điều 2 của Luật.

 Luật sửa đổi cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật thời gian qua như quy định về lập biên bản vi phạm hành chính (Khoản 29 Điều 1); thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; các trường hợp và thủ tục giải trình; quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ sáu: Bổ sung quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt: Luật đã bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3.000.000 trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2.000.000 đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo (Khoản 37 Điều 1).

Luật cũng bổ sung quy định về giảm, miễn tiền phạt cho tổ chức (Khoản 38 Điều 1). Việc sửa đổi những quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp họ gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội.

Thứ bảy: Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các khoản (Khoản 46 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 90; Khoản 47 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 92; Khoản 48 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 94; Khoản 49 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 96 Luật XLVPHC); quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Thứ tám: Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế. Sửa đổi, bổ sung quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu). Khoản 61 Điều 1 Luật đã bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người trong khi Điều 122 Luật  XLVPHC hiện hành chỉ quy định 01 trường hợp.

Thứ chín: Bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng (khoàn 6 và khoản 74 Điều 1 của Luật) nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo; Bổ sung biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng  áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính và một số nội dung khác.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

 

Bài: Vũ Thúy Nhung

Phòng Quản lý xử lý VPHC và THTHPL, Sở Tư pháp.

 

 

 

Tin khác

HÀ GIANG: Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường (30/10/2020 03:24)

TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUA CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT (17/09/2020 09:37)

Triển khai nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (27/03/2020 10:20)

HÀ GIANG: Kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2019 (29/10/2019 16:52)

Kết quả điều tra, khảo sát đánh giá tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2019 (16/10/2019 10:55)

Xác định người được hưởng di sản thừa kế (16/10/2019 09:51)

Trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (09/10/2019 07:27)

HÀ GIANG: công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại Cục Quản lý thị trường tỉnh (07/10/2019 17:34)

Hội thảo khoa học về hoàn thiện Luật xử lý Vi phạm hành chính 2012 ở Việt Nam (02/10/2019 14:10)

HÀ GIANG: Nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (23/09/2019 10:14)

xem tiếp