Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Gửi Email In trang Lưu
Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Giang

27/01/2015 09:15

Năm 2014, các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp đã tích cực trong công tác chỉ đạo theo ngành dọc từ tỉnh đến cấp huyện và đạt những kết quả tích cực rất đáng được ghi nhận, Cụ thể:

1. Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng
Sở Tư pháp: Thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện tốt các hoạt động phối hợp theo quy định của Thông tư liên tịch số 11, đặc biệt là quan tâm chú trọng việc cử người tham gia tố tụng để bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh: Các phòng chức năng thuộc Công an tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp về trợ giúp pháp trong hoạt động tố tụng kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Kết quả đã giới thiệu được 56 vụ/78 trường hợp là bị hại, người bị tạm giữ, tạm giam trong các vụ án hình sự và thân nhân của họ (Cấp tỉnh: 29 vụ/38 trường hợp; cấp huyện, thành phố: 27 vụ/40 trường hợp). Số liệu này bao gồm cả các vụ án chỉ định do Cơ quan điều tra các cấp mời luật sư chỉ định tham gia bào chữa. Số vụ việc có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng không được trợ giúp pháp lý là 14 vụ/50 người. Trong đó cấp tỉnh 01 vụ/04 người; cấp huyện, thành phố là 14 vụ/46 người. Nguyên nhân: do các bị can trong vụ án là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí, trong quá trình tham gia tố tụng họ đã được giải thích rõ về quyền có người bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng họ đã nhận thức rõ về hành vi phạm tội của mình, không yêu cầu trợ giúp pháp lý, từ chối người bào chữa nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để đề nghị Trung tâm cử người tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra.
Tòa án nhân dân: Trong năm 2014, tổng số vụ việc do Tòa án thụ lý và giải quyết có người thuộc diện trợ giúp pháp lý là 245/1312 vụ. Trong đó, số vụ việc được trợ giúp pháp lý là 33/245 vụ chiếm 13,5%. Số lượng vụ việc được trợ giúp pháp lý là quá ít. Nguyên nhân là do người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí nên họ chưa hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc được trợ giúp pháp lý. Do vậy, khi có vướng mắc pháp luật chưa biết để đề nghị được trợ giúp pháp lý. Mặt khác, nhận thức về trợ giúp pháp  lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng của một số cán bộ thẩm phán, thư ký Tòa án còn hạn chế nên chưa giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý và Chi nhánh. Bên cạnh đó công tác phối hợp còn chưa thường xuyên giữa các ngành trong Hội đồng.
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh: Tính đến ngày 21/10/2014, Trung tâm TGPL đã cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư Cộng tác viên tham gia tố tụng được 33 vụ việc cho 52 người trong đó tham gia từ giai đoạn xét xử là: 06 vụ việc, tham gia từ giai đoạn điều tra: 28 vụ việc. Hình sự: 32 vụ, Dân sự 01 vụ.
Các cơ quan liên ngành khác có liên quan đến hoạt động tố tụng: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: Số vụ việc đã khởi tố, thực hiện điều tra ban đầu và chuyển giao cho cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết là 08 vụ/ 16 đối tượng. Các đối tượng bị bắt và bị tạm giữ đều là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Sau khi bị bắt cán bộ tại các đồn biên phòng đều giải thích quyền và nghĩa vụ được trợ giúp pháp lý, tuy nhiên tại giai đoạn tố tụng do bộ đội biên phòng thực hiện người được trợ giúp pháp lý không có yêu cầu.

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang báo cáo tại Hội nghị


          2. Việc niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý.
- Các ngành thành viên trong Hội đồng đều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra việc treo Bảng thông tin trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý, phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp công dân tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thuộc diện người được trợ giúp pháp lý và người thân thích của họ biết để đến liên hệ làm việc.
- Đối với Trại tạm giam, nhà tạm giữ: Đảm bảo việc niêm yết Bảng Thông tin về trợ giúp pháp lý bên ngoài phòng hỏi cung và đặt hộp tin trợ giúp pháp, tờ gấp pháp luật tại phòng trực; Niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong Buồng tạm giam, tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ  giúp cho bị can, bị cáo, người bị tam giam, tạm giữ thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến trợ giúp pháp lý.

          Phát huy vai trò “Trợ giúp pháp lý” là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã đề ra kế hoạch hoạt động chung của ngành và cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động của năm 2015./.

Nguồn tin: Văn phòng Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang