Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Phổ biến giáo dục pháp luật

Gửi Email In trang Lưu
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019

11/01/2020 16:20

 Ngày 20/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019,  giới thiệu tới bạn đọc đề cương tuyên truyền Bộ luật Lao động năm 2019.

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cơ sở để biên soạn gồm: Tờ trình của Chính phủ đề nghị ban hành Bộ luật Lao động, các báo cáo thẩm tra trong Hồ sơ dự án Bộ luật Lao động và Bộ Luật lao động năm 2019.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019

Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995.Sau 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, theoNghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội khóa 14, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7.

Sửa đổi Bộ luật Lao động lần này xuất phát từ các lý do sau đây:

Thứ nhất, trong thực tiễn thi hànhBộ luật Lao động năm 2012 đã xuất hiện nhiềuvướng mắc, bất cậpcần bổ sung, sửa đổi.

Qua tổng kết 6 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập khi áp dụng các điều luật của Bộ luật Lao độngnăm 2012 về một số nội dung như hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…

Bộ luật Lao độngnăm 2012 còn một sốquy định mang tính nguyên tắc nhưng Điều 242 của Bộ luật không giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên đã gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.Trước các yêu cầu và kiến nghị của nhiều địa phương, doanh nghiệp, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vướng mắc trong thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 tại Tờ trình số 109/TTr-CP[1], Báo cáo số 112/BC-CP[2], Báo cáo số 540/BC-CP[3].Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị địnhhướng dẫn ngoài phạm vi được giao quy định tại Điều 242 Bộ luật Lao động để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những vướng mắc, bất cập này. Tuy nhiên, trong phạm vi từng Nghị định, từng Thông tư, các vướng mắcmới chỉ được giải quyết theo từng chủ đề nhỏ, mang tính tình thế mà chưa xử lý được vấn đề mang tính đồng bộ, căn bản, logic, xuyên suốt qua các chương trong Bộ luật.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao độngvẫn còn một số điều chưa đáp ứngsự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn đầu tư kinh doanh, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ hai, yêu cầu từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thời gian soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 cũng là thời gian mà Hiến pháp năm 2013 được soạn thảo.Quá trình soạn thảo dự thảo từ năm 2008 – 5/2012, dù đã cụ thể hóa cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp 2013, nhưng vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dânsau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Những năm gần đâyQuốc hội đã ban hành nhiều luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan tới nội dung, kết cấu của Bộ luật Lao động như Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng2017[4]và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn – vệ sinh lao động năm 2015.

Do đó, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động và đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.

Thứ ba, yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam đã phê chuẩnHiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụtuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO)[5].Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên cũng là những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc[6] và là nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO.

Nghiên cứu rà soát Bộ luật Lao động 2012, còn một số quy định chưa thực sự tương thích nênBộ luật Lao độngcầnđược sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

 II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019

1. Mục đích: Bộ luật Lao động lần này sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm:

- Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

-Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

- Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

- Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Quan điểm chỉ đạo: Bộ luật Lao động(sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[7],về hội nhập kinh tế quốc tế[8], về cải cách chính sách tiền lương[9], về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội[10]vàkiến tạo khung pháp luật về lao động nhằmphát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao[11].

Thứ hai,cụ thể hóa Hiến pháp 2013, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân trong lĩnh vực lao động. Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.

Thứ ba,bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Thứ tư,nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, thị trường lao động;hỗ trợ, hướng dẫncác bên xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

III. NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019

* 10 điểm mới quan trọng đối với người lao động

Đối với người lao động, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm nâng cao quyền lợi lao động khi làm việc tại doanh nghiệp.

1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật lao động sửa đổi.

Bộ luật lao động năm 2012 trước đây mới chỉ quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động. Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019 đã mở rộng thêm phạm vi áp dụng đối với cả những người không có quan hệ lao động.

2. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hướng tới 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ

Bộ Luật lao động mới nêu rõ, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường tiến tới khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021,tuổi nghỉ hưu của người lao đọng trong điều kiện lao động bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó cứ 1 năm thì độ tuổi nghỉ hưu của nam tăng thêm 3 tháng, nữ tăng thêm 4 tháng.

Đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có điều kiện khó khăn thì được nghỉ hưu sớm trước thời gian không quá 5 năm.

3. Quy định riêng đối với lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới

Bộ Luật Lao động sửa đổi có những quy định riêng dành cho lao động nữ và đảm bảo quyền bình đẳng giới. Các quan điểm đảm bảo quyền việc làm, quyền lao động của nữ giới được mở rộng và không còn hạn chế như những nội dung cũ.

4. Tăng nghỉ lễ Quốc Khánh lên 2 ngày

Kể từ khi dự thảo được phê duyệt, nội dung đáng chú ý khác là kể từ nay, lễ Quốc Khánh sẽ được nghỉ 2 ngày, có thể rơi vào trước hoặc sau ngày 2/9. Quy định mới này nâng tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm từ 10 ngày lên 11 ngày.

5. Tăng giờ làm thêm theo tháng

Bộ Luật Lao động bổ sung thêm các trường hợp được tăng giờ làm thêm lên 200 - 300 giờ để tăng quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, một ngày không làm thêm quá 50% tổng thời gian làm việc trong ngày, nếu tính theo tuần là không quá 12 giờ trong 01 ngày và tính theo tháng thì không quá 40 giờ  trong 01 tháng.

6. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng 

Theo điều 35 của Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước đúng thời gian quy định. Điều này giúp giảm thiểu những vấn đề bất cập do áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động.

7. Hình thức hợp đồng lao động điện tử

Nhằm bắt kịp xu thế khoa học - công nghệ và để cải cách thủ tục hành chính, điều 14 của Bộ Luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động điện tử. Hợp đồng lao động điện tử có giá trị về mặt pháp lý như hợp đồng lao động bằng văn bản thông thường.

8. Chính sách đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động

Cụ thể, Bộ Luật lao động sửa đổi đã quy định về nguyên tắc để đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động trong khi thương lượng nhằm hướng tới xây dựng các mối quan hệ lao động hài hòa.

9. Cơ chế bảo vệ cho lao động chưa thành niên

Nhằm để hạn chế tối đa tình trạng bóc lột khi lao động chưa đủ tuổi, Bộ Luật lao động năm 2019 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về cơ chế bảo vệ lao động chưa thành niên.

10. Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong tranh chấp lao động

Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định linh hoạt hơn trong giải quyết các tranh chấp có liên quan đến lao động, có thể tự giải quyết, không ép buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước.

* 06 Điểm mới đối với người sử dụng lao động

Đối với người sử dụng lao động, Bộ Luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định linh hoạt hơn trong thủ tục xử lý các mối quan hệ với lao động.

1. Luật hóa vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Theo nội dung của Bộ Luật Lao động năm 2019, lần đầu tiên vai trò của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động được luật hóa về: vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia xây dựng các quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có thể kể đến: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức khác.

2. Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động

Cũng tương tự như người lao động, người sử dụng lao động được mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, số lần ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người cao tuổi hoặc lao động người nước ngoài tăng lên.

3. Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp

Theo đó, vấn đề tiền lương sẽ thực hiện trên cơ sở thương lượng, thảo luận và thống nhất giữa các bên, doanh nghiệp sẽ chủ động trong quá trình xây dựng thang bảng lương, định mức tiền lương đối với lao động.

4. Đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp

Nhằm xây dựng các mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, quy định đối thoại tại doanh nghiệp được nâng lên 1 năm 1 lần.

5. Quy định về đăng ký nội quy lao động

Để giảm bớt thời gian và thủ tục đăng ký, Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động có thể thực hiện tại cơ quan quản lý nhà nước lao động cấp huyện.

6. Giải quyết tranh chấp lao động

Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định về giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động theo hướng có lợi cho cả hai bên, tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh.

Như vậy, các nội dung thay đổi trong Bộ Luật Lao động 2019 đã quy định rõ ràng và linh hoạt hơn trong các mối quan hệ lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng nắm bắt thông tin và áp dụng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên./.

  PHÒNG PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT - SỞ TƯ PHÁP HÀ GIANG

 



[1]Ngày 18/3/2013 về một số vướng mắc trong quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ.

[2]Ngày 29/4/2014 về vướng mắc trong thi hành Bộ luật lao động năm 2012.

[3]Ngày 30/12/2014 về tổng hợp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện BLLĐ năm 2012.

[4]Bộ luật Hình sự đã bổ sung thêm một số tội danh trong lĩnh vực lao động. Luật Doanh nghiệp đã thay đổi một số nội dung liên quan đến lao động như: chế định người đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp… Luật Đầu tư đã thay đổi một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Điều 516 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã bỏ thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của Thanh tra lao động và bỏ 11 Điều của Mục 5 Chương 14 của Bộ luật Lao động.Điều 1Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 đã bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 45. Ban giám sát có quyền:“Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ”. Trong khi, Bộ luật Lao động quy định việc thay đổi hợp đồng lao động (bổ nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ, thay đổi mức lương, lợi ích khác), kỷ luật đối với người lao động phải do người sử dụng lao động (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền).

[5]Cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO gồm: tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước 87 và 98; xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước 29 và 105; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước 138 và 182; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp theo Công ước 100 và 111.

[6]Điều 22 Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị và Điều 8 Công ước của Liên Hợp quốcvề các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: yêu cầu các quốc gia thành viên công ước phải bảo đảm thực hiện quyền công đoàn của người lao động.

[7]Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

[8]Theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIIvề thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

[9]Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

[10]Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

[11]Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 – Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/06/2017 –Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tin khác

QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA CÔNG AN NHÂN DÂN (20/12/2019 15:29)

Tin truyền hình: Chuỗi hoạt động hưởng ứng "Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11)" của tỉnh Hà Giang (14/11/2019 20:29)

Khai mạc Hội thi "Hòa giải viên giỏi" tỉnh Hà Giang lần thứ IV (07/11/2019 19:50)

Họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Hà Giang lần thứ IV (04/11/2019 15:07)

Triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 (17/10/2019 07:54)

BỘ TƯ PHÁP: Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn, vướng mắc về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Hà Giang. (16/10/2019 16:19)

Công an huyện Đồng Văn phổ biến, giáo dục pháp luật tại thị trấn biên giới Phó Bảng (10/10/2019 22:45)

Đề cương tuyên truyền và tài liệu giới thiệu (Luật Giáo dục; Luật quản lý Thuế; Luật Thi hành án Hình sự; Luật tín ngưỡng tôn giáo) (03/10/2019 13:44)

BỘ TƯ PHÁP: KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TẠI TỈNH HÀ GIANG (27/09/2019 14:57)

Sổ tay pháp luật (16/09/2019 15:59)

xem tiếp