Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Xây dựng văn bản QPPL

Gửi Email In trang Lưu
Hệ thống hóa VBQPPL trong kỳ 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Hà Giang

25/07/2019 14:12

 

Thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) định kỳ 05 năm một lần theo quy định tại Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 01/3/2018 về thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trên địa bàn tỉnh trong kỳ 2014 - 2018 (sau đây gọi là Kế hoạch số 69). Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản để hướng dẫn về nghiệp vụ và đôn đốc triển khai tiến độ thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó, đề nghị các đơn vị xác định đầy đủ và chính xác các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị mình tập hợp đầy đủ các văn bản để hệ thống hóa; kiểm tra lại kết quả rà soát và rà soát bổ sung; xác định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa; lập, sắp xếp các Danh mục văn bản; xây dựng Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản; gửi kết quả hệ thống hóa văn bản; bổ sung và cập nhật các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa... Trong quá trình triển khai, các đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo khoa học, chất lượng và đúng tiến độ.

 

Chuyên viên Sở Tư pháp thực hiện hệ thống hóa

Ngày 29/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 550/QĐ-UBND công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 – 2018 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó:

- Đối với cấp tỉnh: Tổng số có 442 văn bản được tập hợp để hệ thống hóa. Tổng số văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa là 270 văn bản (104 Nghị quyết; 163 Quyết định; 03 Chỉ thị). Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ là 172 văn bản (65 Nghị quyết; 107 Quyết định). Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần là 17 văn bản (09 Nghị quyết, 08 Quyết định). Tổng số văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ là 69 văn bản. Tất cả các văn bản đã được sắp xếp thành 18 lĩnh vực, gồm: Tư pháp; Tổ chức, Nội vụ; Ngoại vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông và vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Thông tin truyền thông; Văn hóa, thể thao và du lịch; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động – thương binh vã xã hội; Công thương; Văn phòng và lĩnh vực khác.

- Đối với cấp huyện: Tổng số có 18 văn bản được tổng hợp để hệ thống hóa trong kỳ. Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ là 14 văn bản. Tổng số văn bản hết hiệu lực một phần là 01 văn bản. Tổng số văn bản sửa đổi, bổ sung là 02 văn bản.

- Đối với cấp xã: Do HĐND và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh không ban hành văn bản QPPL, vì vậy không có số liệu đưa vào tập Hệ thống hóa.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị đã chủ động tham mưu thực hiện được 06 văn bản/tổng số 270 văn bản đang còn hiệu lực thi hành. Trong đó đã ban hành 02 Quyết định mới để thay thế và ban hành 04 Quyết định để bãi bỏ 04 Quyết định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 – 2018 trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đòi hỏi công chức thực hiện công tác này phải có trình độ chuyên môn, kiến thức tổng hợp và kinh nghiệm công tác. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, kinh nghiệm không có nhiều, phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nên thời gian đầu tư cho công tác rà soát văn bản QPPL còn ít.

Thứ hai, hiện nay, kinh phí chi cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định tại Thông tư còn chưa rõ ràng, chưa có quy định cụ thể về nội dung và mức chi cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, chế độ cho cán bộ làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Hơn nữa, quy định về mức chi dành cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản chưa tương xứng với các mức chi dành cho công tác xây dựng văn bản, trong khi yêu cầu giữa hai nhiệm vụ này là tương đương nhau, như: Chi báo cáo thẩm định dự thảo văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh là 500.000 đồng/báo cáo nhưng chi báo cáo kiểm tra văn bản trái pháp luật là 200.000 đồng/báo cáo..vv. Các chế độ, định mức chi của công tác kiểm tra, rà soát văn bản chưa khuyến khích được công chức thực hiện nhiệm vụ, cũng như chưa huy động được đội ngũ cộng tác viên tham gia kiểm tra, rà soát văn bản.

Thứ ba, các văn bản QPPL của Trung ương chưa có tính ổn định cao, dẫn đến hệ thống văn bản QPPL địa phương thương xuyên phải có sự thay đổi. Mặt khác, nhiều nội dung giao tại văn bản QPPL chuyên ngành còn chưa rõ ràng và phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, quá trình rà soát hiệu lực văn bản QPPL còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hiệu lực của văn bản.

Thứ tư, theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL thì chỉ có cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm đề nghị xây dựng Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, tại một số văn bản QPPL của Trung ương về chuyên ngành lại giao cho các cơ quan khác (như Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục thuế tỉnh ban hành văn bản QPPL) dẫn đến khó khăn trong quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc, tuân thủ các quy định của pháp luật và được triển khai đồng bộ, thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã, qua đó từng bước đưa công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh ngày đi vào nề nếp, hoạt động có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của địa phương, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Hoàng Văn Bẩy

Đăng tin: admin Đức Toàn

Tin khác

Bộ Tư pháp kiểm tra công tác xử lý văn bản Quy phạm pháp luật tại tỉnh Hà Giang (12/12/2018 10:29)

Báo cáo, công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2016 (08/12/2016 10:37)

TẬP HUẤN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT DÀNH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2016 (05/09/2016 09:19)

Thực trạng công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL (27/10/2014 14:35)

xem tiếp