Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020.

19/12/2020 13:55

          Sáng ngày 18/12/2020,  Hội nghị trực tuyến có 63 tỉnh,thành phố dự Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Đồng chí Phan Chí Hiếu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp-  Chủ trì Hội nghị.


Đồng chí Lại Thị Hương Giám đốc Sở Tư pháp – tại điểm cầu trực tuyến  tỉnh Hà Giang

 

Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, đồng chí Lại Thị Hương, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 250 được lãnh đạo UBND tỉnh ủy quyền chủ trì Hội nghị. Đại diện Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Đại diện Lãnh đạo các sở, ngành: Tư pháp; Y tế; Công an; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Hà Giang; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Toà án nhân dân tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnhLãnh đạo Trung tâm pháp y tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh.Đại diện Lãnh đạo Đoàn Luật sư tỉnh. Phóng viên Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: dự và đưa tin. Lãnh đạo Sở;Trưởng các Tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ của Sở; Trưởng các Tổ chức sự nghiệp thuộc Sở.

Ngày 20/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (sau đây gọi là Luật năm 2012). Qua hơn 7 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, nhờ đó, thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp  tiếp tục được củng cố và phát triển; hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả; công tác giám định tư pháp có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản, nền nếp, nhất là trong những lĩnh vực có hệ thống tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; công tác giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, tài chính, xây dựng, tài nguyên và môi trường v.v... cũng được tăng cường. Về cơ bản, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.


 Toàn cảnh Hội nghị

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Theo Thứ Trưởng-  Bộ Tư pháp cho biết, về phạm vi sửa đổi, Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định; việc áp dụng quy định của Luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra. Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: bổ sung 01 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 08 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); bổ sung 04 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 04 điểm và sửa đổi, bổ sung 09 điểm.

Về một số nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung, dự Luật bổ sung quy định trưng cầu giám định trong trường hợp có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc cần trưng cầu giám định mà có nội dung chuyên môn liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật bổ sung quy định: trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định; trong trường hợp không thể tách riêng để trưng cầu thì người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong Quyết định trưng cầu giám định. Cơ quan, tổ chức được đề nghị phối hợp giám định phải có văn bản cử người có đủ điều kiện tham gia việc giám định gửi người trưng cầu giám định, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thực hiện giám định (khoản 4 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung).

Về bổ sung quy định về tiếp nhận thực hiện giám định, để khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan trung ương, trong khi hệ thống tổ chức giám định ở địa phương đã được thành lập và đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, đủ điều kiện để thực hiện giám định, dự thảo Luật bổ sung Điều 25a về tiếp nhận trưng cầu giám định, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định ở cấp tỉnh, cấp trung ương trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào tính chất đặc thù và điều kiện thực tế lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý hướng dẫn việc tiếp nhận và thực hiện giám định của cá nhân, tổ chức ở trung ương và địa phương, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng. Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp. Tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm phân công, bảo đảm thời gian thực hiện giám định cho người đã được phân công. Người giám định có trách nhiệm kết luận rõ ràng, nhận xét, đánh giá cụ thể về chuyên môn những nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định (điểm g khoản 1 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung)…

Với tính chất đặc thù và thực tiễn công tác giám định tư pháp cho thấy,  việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ và vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Để bảo đảm triển khai có hiệu quả Luật này, ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp./.

 

Tin, ảnh: Hoàng Hồng, Việt Trung: Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Giang