TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUA CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT

17/09/2020 09:37

           Nhằm đánh giá tính phù hợp giữa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó thu thập, phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp xây dựng 02 mẫu phiếu điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó: 01 mẫu phiếu gồm 18 câu hỏi dành cho cá nhân làm việc tại doanh nghiệp; 01 mẫu phiếu gồm 09 câu hỏi dành cho công chức, viên chức công tác tại: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều tra, khảo sát đối với 80 người có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Qua điều tra, khảo sát thấy rằng: Việc thực hiện truyền thông các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, có đến 88,3% công chức, viên chức cho rằng đã thực hiện thường xuyên và bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú. Công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương hiện nay, có 88% đánh giá rất tốt, tốt và khá. Đánh giá về trách nhiệm bảo vệ môi trường, 83% cho rằng thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, một số phiếu đánh giá thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và của người sử dụng lao động, người lao động. Đánh giá về khó khăn của công tác bảo vệ môi trường ở địa phương hiện nay, 65% cho rằng các ngành chức năng không đủ lực lượng, thiếu về kinh phí, điều kiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát do đó chưa ngăn chặn triệt để được những hành vi vi phạm, còn lại cho rằng ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được chặt chẽ; hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Nhà nước cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, 70% cho rằng cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; một số phiếu cho rằng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Những vấn đề cần ưu tiên giải quyết, đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường tại địa phương hiện nay, các ý kiến tập chung chủ yếu một số nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời nâng cao năng lực thực thi công vụ của các lực lượng chức năng; hoàn thiện thể chế về bảo vệ tài nguyên, đô thị, tăng cường kiểm soát ô nhiễm và giảm chất thải, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư tài chính, sử dụng hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Cần có chính sách cụ thể tới cơ sở và người dân, xã hội hóa về công tác môi trường; chế tài đủ mạnh để quản lý và xử lý các tác nhân ảnh hưởng tới môi trường, thu gom và xử lý rác thải, nước thải; hằng năm có kinh phí để đảm bảo cho hoạt động bảo vệ môi trường như: duy tu, bảo dưỡng khuân viên, cơ sở hạ tầng, hệ thống cây xanh, thoát nước, công tác chăm sóc, bảo vệ môi trường và một số nội dung đánh giá khác.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy hiện nay các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã được cá nhân, cơ quan, tổ chức nắm bắt được, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện kịp thời các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả tổng hợp Phiếu khảo sát cũng chỉ ra những hạn chế như: Công tác bảo vệ môi trường ở địa phương còn gặp khó khăn, các ngành chức năng không đủ lực lượng, thiếu về kinh phí, điều kiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát do đó chưa găn chặt triệt để được những hành vi vi phạm; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ.

Thông qua điều tra, khảo sát đã thu thập được các thông tin cơ bản thực trạng tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ thực trạng đó cho thấy để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường thì các cấp, các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần quan tâm triển khai thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các quy định của pháp luật và thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ những người liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; làm tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường nhân lực, nguồn lực cho công tác này.

Bài: Vũ Thúy Nhung, Phó TP QLXLVPHC&TDTHPL Sở Tư pháp