HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT

27/11/2020 14:28

 

        Sáng ngày 24 tháng 11 năm 2020, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Điểm cầu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức quý chủ trì tại điểm cầu Hà Giang.

        Hội nghị đã thảo luận, đánh giá tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện.

Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: 112 văn bản (71 luật, 02 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 08 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015; Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011 - 2015 (721 văn bản), Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015 (361 văn bản); các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2422 thông tư, 110 thông tư liên tịch giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (2733 văn bản); ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh tăng 2.552 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (13.789 văn bản), 12.427 văn bản cấp huyện giảm 18.320 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (30.747 văn bản), 64.031 văn bản cấp xã giảm 131.083 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (195.114 văn bản).

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm được tổ chức nề nếp, đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được đẩy mạnh, với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tạo sự đột phá trong tổ chức thi hành luật, pháp lệnh và trong hoạt động quản lý, điều hành như đề cao trách nhiệm của cơ quan chuẩn bị dự án, ưu tiên, đầu tư thời gian, nguồn lực cho soạn thảo dự án luật, pháp lệnh; tăng cường vai trò, hoạt động của Ban soạn thảo, pháp chế các bộ, ngành, địa phương,... Trong thời gian qua việc ban hành văn bản quy định chi tiết đạt nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết từng bước được khắc phục, số lượng văn bản “nợ ban hành” đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, có thời điểm Chính phủ không nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thông qua công tác rà soát, hệ thống hóa, góp phần làm công khai, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định rõ những văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, làm cơ sở cho việc áp dụng, thi hành pháp luật. Như trong kỳ 2014 - 2018, qua công tác rà soát, hệ thống hóa chúng ta xác định được tổng số văn bản còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành là 8.802 văn bản; tổng số văn bản còn hiệu lực ở địa phương cấp tỉnh là 28.290 văn bản; tổng số văn bản còn hiệu lực ở địa phương cấp huyện là 12.844 văn bản; tổng số văn bản còn hiệu lực ở địa phương cấp xã là 11.726 văn bản.

Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được các cơ quan, tổ chức, người dân và cả xã hội quan tâm, coi đây là một thiết chế quan trọng để kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được Bộ Tư pháp đẩy mạnh thông qua việc theo dõi, đôn đốc xử lý và kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Công tác bổ trợ tư pháp (với tư cách là một trong những những thành tố góp phần bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả) có bước phát triển tốt, góp phần quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp tăng cường tiếp cận và thực thi pháp luật. Tổ chức và hoạt động của các thiết chế bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn. Việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp đã thành công bước đầu, giảm tải cho các cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Quản lý nhà nước về công tác này ngày càng được tăng cường.

Các thiết chế thực thi công tác theo dõi thi hành pháp luật được hình thành theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và các tổ chức pháp chế từ trung ương đến địa phương.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Mặc dù khó lượng hóa nhưng Hệ thống pháp luật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tin ảnh: Đỗ Xuân Hải