HÀ GIANG: Triển khai Phần mềm hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh - Thành công và những khó khăn

09/08/2021 09:42

 Luật Hộ tịch ra đời đã cải cách mạnh mẽ về thể chế của công tác hộ tịch, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân, tổ chức. Điển hình là việc quy định các điều kiện và lộ trình xây dựng, thực hiện phần mềm hộ tịch điện tử và cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Phần mềm hộ tịch được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh (đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây là số thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi). Các thông tin trong giấy khai sinh được xem là thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngày 22 /9/2016, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 243 /KH-UBND  triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở đã kịp thời phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp, Viettel Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức thành công Hội nghị tập huấn phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung cho trên200 người là công chức Sở Tư pháp, phòng Tư pháp và đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và triển khai đồng bộ, thống nhất sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 01/7/2018. Đến nay, việc triển khai phần mềm hộ tịch nói chung, việc cấp số định danh cá nhân nói riêng trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu, hiệu quả. Đây được coi là thành công trong công tác tham mưu quản lý nhà nước của Ngành, tạo bước đột phá góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu đăng ký hộ tịch. Tính năng của phần mềm đã tạo thuận lợi và khoa học trong công tác thống kê, báo cáo, phân loại, theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở, góp phần vào việc cải cách hành chính tinh giảm biên chế trong tình hình mới.

Kết quả thực hiện với tính năng tổng hợp số liệu đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh, từ tháng 01/ 7/2018 đến ngày 31/7/2021, đã thực hiện đăng ký hộ tịch qua hệ thống phần mềm dùng chung với 168.303 trường hợp, trong đó đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho 108.116 trường hợp, đăng ký kết hôn 23.898 trường hợp, đăng ký khai tử 13.645 trường hợp và đăng ký hộ tịch khác 22.644 trường hợp.

Tuy nhiên, cùng với những thành công và kết quả như trên, việc thực hiện phần mềm hộ tịch điện tử cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bắt đầu từ việc tiếp cận và áp dụng các quy định, trình tự thủ tục mới mang tính cải cách trong công tác đăng ký hộ tịch để thay đổi các quy định cũ mà công chức Tư pháp – Hộ tịch đã quen sử dụng trong một thời gian dài, mặc dù công tác tập huấn nghiệp vụ hàng năm đã thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn có nhiều trường hợp còn bỡ ngỡ,  lúng túng, còn áp dụng sai, vẫn áp dụng quy định cũ…đặc biệt là việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài về cấp huyện ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Nhất là, việc thực hiện các thao tác trên phần mềm. Trình độ tin học của công chức làm công tác Tư pháp - Hộ tịch ở một số huyện, đặc biệt là các huyện miền núi còn hạn chế. Việc từ bỏ thói quen làm thủ công nhiều năm để tiếp cận với tin học hiện đại nên ban đầu cũng có nhiều lúng túng, thậm chí có những sai sót ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính.

Một khó khăn cơ bản nhất hiện nay là cơ sở vật chất như máy tính, máy in, mạng internet chưa hoàn thiện và đồng bộ. Quá trình thực hiện liên thông phần mềm với Bộ Công an, Bảo hiểm XH tỉnh có gián đoạn, phải tạm dừng cấp Số định danh cá nhân, do dó các trường hợp đăng ký khai sinh trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử trong thời gian này sẽ chưa hoàn thành được do không tiếp nhận được Số định danh cá nhân, các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch sẽ không in được bản chính và bản sao Giấy khai sinh từ Phần mềm và không chuyển được dữ liệu khai sinh sang Cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên môi trường điện tử.

Với sự quyết tâm cao của chính quyền các cấp, trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác Tư pháp - Hộ tịch các cấp, qua 3 năm thực hiện, phần mềm hộ tịch điện tử dùng chung đã  thành công. Việc đăng ký hộ tịch hiện đại hơn, chính xác, khoa học hơn, công tác thống kê, báo cáo số liệu đăng ký hộ tịch cộng trừ thủ công như trước đây đã được máy tính thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác. Phần mềm hộ tịch còn giúp cán bộ Tư pháp phát hiện và ngăn chặn những sai sót, tránh được việc đăng ký trùng, hoặc đăng ký hộ tịch nhiều lần để lách luật...

Trong thời gian tới, khi những khó khăn dẫn được khắc phục, với sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp hộ tịch, công tác quản lý, thống kê, đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn nữa./.

Trần Hải Dương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp