Kết quả điều tra, khảo sát đánh giá tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2019

16/10/2019 10:55

Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh Hà Giang về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Sở Tư pháp đã xây dựng 02 mẫu phiếu khảo sát: 01 mẫu phiếu gồm 10 câu hỏi dành cho cá nhân làm việc tại doanh nghiệp; 01 mẫu phiếu gồm 16 câu hỏi dành cho công chức, viên chức công tác tại: Bảo hiểm xã hội tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Liên đoàn lao động tỉnh. Điều tra, khảo sát đối với 100 người có liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Một số kết quả đạt được:

Công tác truyền thông các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, có đến 90% công chức, viên chức cho rằng đã thực hiện thường xuyên và bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú. Công tác thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN: 87,5% đánh giá rất tốt, tốt và khá. Đánh giá về điều kiện, cơ sở vật chất, nhân lực: 98,75% cho rằng đã được đảm bảo. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH: 52,5% đánh giá kịp thời và đầy đủ, 38,75% đánh giá kịp thời nhưng chưa cụ thể. Đánh giá về điều kiện hồ sơ thực hiện giao dịch thủ tục hành chính: 91,25% đánh giá là đủ. Đánh giá về hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội khi giải quyết thủ tục hành chính: 8,75% đánh giá có nhiều giấy tờ không cần thiết; 46,25% đánh giá bình thường, 37,5% đánh giá đơn giản, dễ thực hiện, 7,5% không đánh giá. Đánh giá về thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Bảo hiểm xã hội: 1,25% đánh giá quá nhiều thời gian, 75% đánh giá trung bình, 20% đánh giá ngắn, 2,5% không đánh giá. Đánh giá về thời hạn trả kết quả thủ tục hành chính: đánh giá hài lòng, chiếm 26,15%; đánh giá bình thường, chiếm 57,5%; đánh giá rất hài lòng, chiếm 11,25%; không đánh giá, chiếm 5%. Đánh giá về sự cần thiết phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN: cần thiết, chiếm 95%; không cần thiết, chiếm 5%. Đánh giá tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại cơ quan Bảo hiểm xã hội: đánh giá tốt, chiếm 45%; đánh giá khá, chiếm 31,25%; đánh giá trung bình, chiếm 20%; không đánh giá, chiếm 3,75% và một số nội dung đánh giá khác.

Qua khảo sát cho thấy hiện nay các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã được cá nhân, cơ quan, tổ chức nắm bắt được. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được đánh giá cao. Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã triển khai thực hiện kịp thời các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả tổng hợp Phiếu khảo sát cũng chỉ ra những hạn chế như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH đầy đủ, chi tiết nhưng đôi lúc chưa kịp thời; điều kiện cơ sở vật chất có nơi chưa đảm bảo; về hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan BHXH khi giải quyết thủ tục hành chính, một số phiếu đánh giá là có nhiều giấy tờ không cần thiết; thời gian giải quyết thủ tục hành chính vẫn có ý kiến cho rằng quá nhiều thời gian.

Thông qua điều tra, khảo sát đã thu thập được các thông tin cơ bản thực trạng tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Từ thực trạng đó cho thấy để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN  thì các cấp, các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần quan tâm triển khai thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các quy định của pháp luật và thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ những người liên quan đến lĩnh vực này; thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho cho các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN./.

 

Vũ Thúy Nhung, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang