NHÌN LẠI 5 NĂM TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

05/08/2020 15:27

            Trong thời gian 05 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều biện pháp tổ chức đồng bộ rất hiệu quả như ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật; thanh kiểm tra, hướng dẫn.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đã có sự phát triển trong thời gian qua. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 05 tổ chức hành nghề công chứng (01 Phòng công chứng và 04 Văn phòng công chứng với 11 công chứng viên).

Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã mang lại hành lang pháp lý an toàn, chặt chẽ, có tác động sâu, rộng đến xã hội vì liên quan đến một số quyền, lợi ích, nghĩa vụ, một số giao dịch chính của người dân và các tổ chức. Hoạt động công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường, góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết công việc cho nhiều người lao động, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện được 211.700 việc, với doanh thu 16.620.946.000 đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.111.504.000 đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật còn có những vướng mắc, bất cập. Tại điều 8 Luật Công chứng quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với công chứng viên là phải có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên sau khi có bằng cử nhân Luật; thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng (trừ trường hợp được miễn); thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng (6 tháng đối với trường hợp được miễn); phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức... Như vậy, để đào tạo và bổ nhiệm được một công chứng viên phải mất ít nhất 7 năm trở lên, do đó, việc bổ sung nguồn công chứng viên đối với địa bàn như Hà Giang còn nhiều khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện cơ sở dữ liệu công chứng mới chỉ thực hiện chia sẽ giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, cá biệt có Văn phòng công chứng không tham gia.

Hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể, được hiểu chưa thống nhất, việc hướng dẫn, giải thích pháp luật liên quan đến đất đai còn chậm khiến cho việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng có khó khăn, ví dụ như: Hộ gia đình, công chứng giao dịch về tài sản hình thành trong tương lai, quyền tài sản.

Để Luật Công chứng khi triển khai mang tính khả thi, linh hoạt đề nghị cần cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng. Nên quy định trong Luật Công chứng đối với công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng hàng năm ký ít nhất 30% đến 40% hợp đồng, giao dịch của Văn phòng công chứng đối với Văn phòng có 02 công chứng viên.

Đề nghị quy định về độ tuổi hành nghề công chứng trong Luật Công chứng: Vì hoạt động công chứng có liên quan rất nhiều văn bản khác nhau và phức tạp, nếu quá nhiều tuổi độ tinh nhanh, minh mẫn kém; hạn chế việc cập nhật, tiếp cận văn bản, công nghệ thông tin… sẽ dẫn đến chất lượng các văn bản công chứng không đạt yêu cầu, không đảm bảo độ tin cậy cho người yêu cầu công chứng đến giao dịch.

Thống nhất xây dựng phần mềm cơ sở “dữ liệu công chứng” thống nhất trong toàn quốc, có tính đến kết nối việc chứng thực, đất đai, thi hành án…;Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công chứng cho các công chứng viên để nâng cao trình độ chuyên môn.

Bài: Hoàng Thị Hồng, Sở Tư pháp Hà Giang