HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

14/08/2020 14:36

          Hoạt động công chứng hay cụ thể hơn việc công chứng các hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của công dân, doanh nghiệp tại các tổ chức hành nghề công chứng đóng góp vai trò nhất định trong cải cách hành chính.

Việc ban hành Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó có các nội dung liên quan đến việc công chứng các hợp đồng, giao dịch trên cơ sở đó Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh ban hành các thủ tục hành chính liên quan. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2020 Công bố thủ tục hành chính của ngành Tư pháp áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong đó có 12 thủ tục hành chính liên quan đến công chứng. Điều đặc biệt phần lớn các thủ tục này quy định thời gian công chứng được rút ngắn một nửa, đảm bảo phục vụ nhanh nhất yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhiều thủ tục được thực hiện ngay trong ngày.

Các tổ chức hành nghề công chứng áp dụng thủ tục hành chính để phục vụ người dân doanh nghiệp, tuy không phải là bộ phận “Một cửa” hay “Trung tâm phục vụ hành chính công”. Song xét về bản chất từ trước tới nay các tổ chức hành nghề công chứng phục vụ như bộ phận “Một cửa hay “Trung tâm phục vụ hành chính công”. Ngoài thủ tục được thực hiện nhanh gọn, người dân doanh nghiệp nộp yêu cầu và nhận kết quả chỉ thông qua Công chứng viên, thủ tục được thực hiện tại chỗ là trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, thậm trí trong một số trường hợp đặc biệt được Công chứng viên đến tận nơi phục vụ.

Sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng trên cùng địa bàn xét về mặt tích cực lại chính là động lực, mục tiêu để các tổ chức hành nghề công chứng ngày một cải thiện, nâng cao chất lượng, thái độ, phong cách làm hài lòng công dân, doanh nghiệp. 

Đơn cử như Phòng công chứng số 1 tỉnh Hà Giang chỉ từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2019 đã thực hiện trên 21.000 lượt thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 5 tỷ đồng. Phòng luôn quan tâm giới thiệu về các quy định của Luật Công chứng cùng các văn bản hướng dẫn tới mọi công dân và các tổ chức khi đến công chứng; tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần theo quyết  định của Thủ tướng chính phủ, tổ chức thực hiện dịch vụ công chứng ngoài giờ hành chính khi tổ chức cá nhân có nhu cầu; tư vấn trực tiếp miễn phí thủ tục công chứng khi người dân có nhu cầu tại Phòng và trên hệ thống điện thoại trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính; đầu tư cơ sở vật chất, môi trường làm việc khang trang hiện đại để phục vụ tốt nhất nhu cầu làm việc và công chứng của nhân dân; nâng cao ý thức phục vụ; đơn vị luôn tiến hành niêm yết thường xuyên, công khai bộ thủ tục hành chính đã được công bố tại trụ sở để người dân dễ tiếp cận, dễ khai thác, thực hiện và giám sát qúa trình thực hiện của công chứng viên, viên chức, lao động khi thi hành nhiệm vụ chuyên môn, thủ tục liên quan tới hoạt động công chứng đều được giải quyết minh bạch, công khai, theo đúng quy định của pháp luật và theo trình tự thủ tục hành chính đã công bố đảm bảo an toàn về pháp lý và nhanh chóng về thời gian. Hầu hết các hồ sơ công chứng, chứng thực của đơn vị đều được giải quyết trong ngày làm việc.

Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2015 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn cần kiến nghị điều chỉnh và có phương pháp áp dụng linh hoạt hơn, đó là:

Hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể, được hiểu chưa thống nhất, việc hướng dẫn, giải thích pháp luật liên quan đến đất đai còn chậm khiến cho việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng có khó khăn, ví dụ như: Hộ gia đình, công chứng giao dịch về tài sản hình thành trong tương lai, quyền tài sản. Đồng thời khi tuyên truyền, triển khai Luật Công chứng cần phối hợp đồng thời những nội dung liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nhà ở...đối tượng cần tập trung những người có thẩm quyền, trách nhiệm liên quan đến việc công chứng hợp đồng, giao dịch.

Nên sửa Luật Công chứng trong đó quy định việc thành lập Văn phòng công chứng theo hướng có từ 1 công chứng viên trở lên như quy định trước đây. Vì thực tế như tỉnh Hà Giang do điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn hơn các địa phương khác, nhất là các huyện vùng cao nên việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng là rất khó; mở rộng đối tượng được miễm, giảm thời gian học nghề công chứng như người đã học Luật sư, đấu giá, người từng làm trong tổ chức hành nghề công chứng...Đồng thời mở rộng thêm người được tham gia tập sự nghề công chứng như công chức...; việc chuyển đổi Phòng Công chứng sang Văn phòng công chứng nên tùy từng địa phương để xem xét chuyển đổi phù hợp, không nên quy định tất cả phải chuyển đổi tạo sự vận dụng linh hoạt, thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Phòng công chứng ở từng địa phương.

Tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động công chứng đang diễn biến phức tạp. Trình độ tinh vi công nghệ làm giả ngày càng hiện đại, nhiều giấy tờ, tài liệu giả bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt. Trong khi đó chế tài xử phạt đối với các hành vi này chưa cao, chưa đủ sức răn đe. Do đó cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng; thông báo, thông tin rộng rãi kết quả xử lý, thủ đoạn làm giả,... đề người dân biết, phòng ngừa.

Về thực tiễn hoạt động công chứng, cơ sở vật chất về công nghệ thông tin có liên quan chưa được đáp ứng kịp thời trong hoạt động hành nghề công chứng. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu công chứng chưa được liên thông với Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đất đai, đăng ký biện pháp bảo đảm,… Do vậy, để có căn cứ chứng nhận hợp đồng, giao dịch thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin hoặc phải xác minh thông tin dẫn đến mất thời gian, kéo dài thời gian chứng nhận hợp đồng, giao dịch của người dân, làm ảnh hưởng đến hoạt động công chứng, gây phiền toái cho người dân, chưa phù hợp với cải cách hành chính, chưa vì mục tiêu phục vụ người dân. Do vậy cần sớm xây dựng Đề án hệ thống phần mềm công chứng, chứng thực dùng chung trên phạm vi toàn quốc và kết nối các hệ thống này lại với nhau để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác của việc tra cứu thông tin, dữ liệu trên hệ thống. Phần mềm dùng chung này cần có sự phối hợp của các ngành, địa phương trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin về tài sản, về đăng ký quyền sở hữu tài sản. Phần mềm dùng chung này không hạn chế trong khuôn khổ quản lý của ngành Tài nguyên và môi trường trong đăng ký quyền sử dụng đất, xây dựng trong quản lý nhà ở, Công an trong đăng ký quản lý phương tiện.

Có được như vậy, hoạt động công chứng sẽ đóng góp vai trò lớn hơn trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

  Đỗ Xuân Hải