Giám định tư pháp sứ mệnh "cầm cân, nảy mực"

11/09/2019 08:04

 Giám định tư pháp (GĐTP) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như người “cầm cân, nảy mực”, bởi kết quả giám định ảnh hưởng trực tiếp đến kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Song, để hoàn thành sứ mệnh này, hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh đang đối diện không ít trở ngại.

Cán bộ Trung tâm Pháp y đúc bệnh phẩm, phục vụ giám định.
Cán bộ Trung tâm Pháp y đúc bệnh phẩm, phục vụ giám định.

Hiện nay, toàn tỉnh chưa có tổ chức GĐTP ngoài công lập, chỉ có 2 tổ chức GĐTP công lập là Trung tâm Pháp y (Sở Y tế) và Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) với 50 giám định viên (GĐV) tư pháp. Riêng sở, ngành có 18 GĐV theo vụ việc, làm việc trong các lĩnh vực: Xây dựng, tài chính, tài nguyên – môi trường, giao thông cầu đường, ngân hàng, thông tin và truyền thông. Trong đó, Trung tâm Pháp y từ khi thành lập (tháng 1.2014) đến nay, đã thực hiện hàng nghìn vụ giám định (tử thi, thương tật…) theo trưng cầu của các cơ quan điều tra. Các vụ việc giám định được thực hiện kịp thời, chất lượng, phục vụ tốt cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Riêng Phòng Kỹ thuật hình sự đã, đang triển khai các hoạt động chuyên ngành, như: Giám định tài liệu, dấu vết đường vân, hóa học (ma túy, nồng độ cồn trong máu), giám định cháy, nổ, dấu vết cơ học, giám định pháp y tử thi… Với bề dày thời gian (thành lập từ năm 1994), hoạt động nền nếp, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với công an các huyện, thành phố, cơ quan hữu quan thực hiện khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng, tiếp nhận các quyết định trưng cầu giám định hình sự, pháp y các vụ việc, vụ án phục vụ đắc lực công tác điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan điều tra.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, các vụ việc phát sinh cần GĐTP chủ yếu tập trung ở 2 tổ chức giám định công lập với trên 340 vụ việc theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, liên quan đến: Giám định tử thi, hài cốt, tổn hại sức khỏe, vật gây thương tích; giám định hiếp dâm, mô bệnh học; dấu vết đường vân, tài liệu, cháy nổ, ma túy, kỹ thuật, pháp y, cơ học… Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đội ngũ GĐV tư pháp đã, đang từng bước được kiện toàn, đảm bảo về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Điều này trở thành thành tố quan trọng đáp ứng tốt yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đưa ra kết luận chính xác, khách quan, khoa học, đúng trình tự theo yêu cầu của pháp luật. Bởi, kết quả GĐTP chuẩn xác chính là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án chính xác, minh bạch, đúng người, đúng tội, phụng sự công lý, tránh oan sai, nhất là trong các vụ án hình sự…

Hoạt động GĐTP liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người; góp phần bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ không thể phản bác. Điều đó cho thấy sứ mệnh “cầm cân, nảy mực” của ngành không thể phủ nhận. Nhưng hoạt động GĐTP hiện nay gặp không ít trở ngại, ví như: Sở Tư pháp – đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về GĐTP ở địa phương nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, đầu mối, khâu nối thông tin giữa các sở, ban, ngành chuyên môn, không trực tiếp quản lý con người, chuyên môn, kinh phí, cơ sở vật chất của các tổ chức GĐTP cũng như các điều kiện đảm bảo hoạt động ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ban, ngành chủ quản. Vì thế, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương chưa cao… “Do đó, chúng tôi mong muốn T.Ư sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giám định Tư pháp năm 2012 để giải quyết vướng mắc trên bằng cách: Không giao việc quản lý Nhà nước về GĐTP cho ngành Tư pháp mà giao cho các cơ quan chủ quản và coi đó như một nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên”, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp) Phạm Ngọc An chia sẻ.

Nối tiếp khó khăn trên, Trung tâm Pháp y hiện chưa có trụ sở riêng; khu vực làm việc chỉ là một số phòng được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho mượn. Thậm chí, đơn vị còn phải sửa chữa, cải tạo khu nhà đại thể (nhà xác Bệnh viện) để làm phòng làm việc. Nhiều khoa, phòng buộc phải ngồi chung hoặc lồng ghép các bộ phận, phòng làm việc chật hẹp, không đủ không gian để lắp đặt một số trang thiết bị chuyên dụng, triển khai hoạt động chuyên sâu đáp ứng yêu cầu GĐTP. Riêng Phòng Kỹ thuật hình sự, đội ngũ GĐV còn mỏng (8 GĐV chuyên trách), phải kiêm nhiệm nhiều chuyên ngành dẫn đến áp lực trong công việc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác…

Thực tiễn cho thấy, công tác GĐTP cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành. Trong đó, có việc đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết khác; đồng thời, củng cố, kiện toàn, tăng cường các giải pháp phát triển, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ GĐV tư pháp. Bởi điều này phục vụ kịp thời, đắc lực cho hoạt động tố tụng trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

   Nguồn: www.baohagiang.vn. Bài, ảnh: THU PHƯƠNG. Đăng tin: Tú Anh - VP Sở